Mèo
   
   
   Hội họa Trung Hoa bắt đầu từ Thư pháp (calligraphie). Thư gia nổi tiếng nhất Hoa Trung là Vương Hi Chi, sống khoảng thế kỷ thứ tư, thứ năm trước Tây lịch. Những mộc bản đầu tiên để in ở phương Ðông, đã khắc chữ của Vương Hi Chi. Một người tên là Pien Tsai giữ được cuộn giấy có chữ của Vương, Ðường Thái Tôn phải dùng mưu để ăn cắp, tương truyền người ấy mất ăn mất ngủ rồi chết. 
 
 
 
 
 

 Chết vì mất chữ. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Hoa coi thư pháp là nghệ thuật chính, nghệ thuật nguyên thủy, bởi chữ của họ dựng lên tự đời. Mỗi chữ là một chân dung hiện tượng mà nó muốn gọi tên: Chữ nhân vẽ người, chữ địa vẽ đất, ... 
 
 
 
 

 Lê Bá Ðảng không vẽ chữ, ông lấy vật làm chữ. Tại sao ông lại chọn Mèo? Vì hình như Mèo có mệnh hệ gắn bó với họa sĩ từ lâu: Mèo là con vật đầu tiên giúp Lê Bá Ðảng thành danh (những bức tranh đầu tiên ông vẽ và bán được là những bức tranh mèo). Ðối với Lê Bá Ðảng, Mèo không chỉ là nguồn gốc phát xuất một tài năng, một tên tuổi. Mèo còn là chữ ký của tác giả. 

 

Ông dùng mèo như một ký hiệu thuần túy tự họa. Nét mèo của ông, ở đây là ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ hội họa đầy thư pháp và thi pháp Ðông phương, nhưng lại hiện ra như một thứ ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình, rất Tây phương. Như dấu ấn hiện hữu của cái có, cái không, của cái hữu hình vô thể trong toàn bộ tác phẩm Lê Bá Ðảng. Mèo vừa là chim, vừa là rắn. Mèo là những dấu hỏi: Ðảng là ai? Là Tôi, hay là một tiền kiếp, hậu kiếp nào khác? Ðảng có hay không? Mèo-Ðảng là những dấu hỏi về cuộc đời, về những gì mà ta chưa biết, đã biết. Bởi người nghệ sĩ luôn luôn tự hỏi về mình, đến từ đâu, đi về đâu, như con chim trong nét mèo của ông, đã bay qua khắp nẻo, đo lường không gian, sải cánh thời gian để tìm tòi khám phá chiều sâu của vô tận. Bởi người nghệ sĩ luôn luôn trắc khảo cái đáy lòng người, hiểm sâu như rắn và rộng cao như trời đất.
 

 Ở Lê Bá Ðảng, Mèo thể hiện cả chim lẫn rắn. Bay như chim. Bò như rắn. Vũ trụ Mèo do ông tạo ra là vũ trụ người, bám sát đất mà luôn luôn tìm cách vươn cao, ấp mộng bay bổng không gian, tìm kiếm trên thượng tầng không khí một bầu quyển mới. Hỏi có gì? Nơi đó? Mèo thể hiện tính chất mâu thuẫn trong con người. Mèo là chữ ký của nhân sinh. Ký hiệu của cái biết và cái không biết. Ký hiệu của những không tưởng và ảo tưởng, nhưng cũng là ký hiệu của sinh loại: "đầu đội trời - chân đạp đất", vừa thực tiễn, vừa lắt léo trong lòng. Sau cùng và trên hết, những nét Mèo trong Lê Bá Ðảng, biểu thể nghệ thuật tạo hình đơn sơ nhất, mộc mạc nhất, không phấn son, không màu sắc, như thể nghệ thuật khởi đi và cũng tìm đến một cõi nguyên khai tuy không mà có.

Paris, tháng 12-2001
Thụy Khuê

Trở về với Mèo của Lê Bá Ðảng