Không gian liên mạng Lê Bá Ðảng

 
Mỗi khi có dịp trình bày quan niệm nghệ thuật của mình, họa sĩ Lê Bá Ðảng thường  nhấn mạnh ba điểm sau đây:
- Nghệ thuật của một dân tộc chỉ có thể tồn tại được nếu nó bám rễ vào đời sống và mang cá tính độc đáo của dân tộc ấy;
- Lê Bá Ðảng đưa ra một phong cách tạo hình mới thoát khỏi truyền thống hội họa điêu khắc Tây phương, ông muốn trình bày một nghệ thuật tạo hình, không tượng, không tranh, dựa trên những nguyên liệu vật chất hoặc hư không do chính người nghệ sĩ tạo ra;
- Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho một số ngườì may mắn có khả năng mua tranh, mua tượng, hoặc chỉ nằm khô trong viện bảo tàng, mà phải hòa hợp với thiên nhiên, đi vào đời sống, để tất cả mọi người dù ở tầng lớp nào, cũng có thể thưởng ngoạn.
 
Như để thực hiện quan điểm bình dân hóa và phổ biến hóa nghệ thuật, Lê Bá Ðảng luôn luôn tìm cách bội phân những tác phẩm của mình thành nhiều phiên bản, giá bán rẻ đi, nhiều người có thể mua được, nhưng chất sắc và giá trị vẫn là nguyên bản. Những năm 70, để sáng tạo Lebadangraphy, ông đã tìm chất giấy riêng in tranh, từ những bản khắc trên đá, khiến cho tranh in của ông không còn là một sản phẩm phiên bản (reproduction) tầm thường mà nó giữ trọn vẹn những chiều sâu, những nét gồ, nét trũng của bức tranh thật.

 Rồi ở thời kỳ Tấn Tuồng Nhân Loại (La comédie humaine) những năm 80, một loại chất liệu giấy khác ra đời, tạo cho những vi nhân, vĩ nhân của Lê Bá Ðảng có một không gian nhân vị, tự do, có chất khinh khoát của lời, có cái dị hợm của cá tính và thể xác, miêu tả những trạng thái và tình thế của con người trong cái bể khôn lường của Tánh.
 Ở Không Gian Lê Bá Ðảng giữa thập niên 80-90, ông không vẽ trên giấy nữa mà cắt dán và tạo ra một chất liệu mới mang chiều dầy của vật thể, có thể gói trọn khí quyển và tạo vật trong cùng một "không gian"; chính ở đây, ông đã bắt đầu đường lối tạo hình mới: không tượng, không tranh mà tổng hợp cả tượng lẫn tranh.

 Trong khoảng năm, sáu năm gần đây, nghệ thuật của Lê Bá Ðảng càng ngày càng đi sâu vào đời sống hơn nữa. Năm 1997, ông thực hiện Ðộng Lê Bá Ðảng, một công trình kiến tạo nghệ thuật ở miền Baux de Provence, một thắng cảnh miền Trung Nam nước Pháp, với những chủ đề Âu Cơ, Âu Lạc, như muốn tái tạo một "nguồn gốc Việt, một lịch sử Việt" trong hang động bên trời Tây. Ðồng thời ông phác họa nhiều sơ đồ kiến tạo nghệ thuật trong thiên nhiên, để thực hiện trên đất nước Việt Nam với chủ đích đem tác phẩm nghệ thuật vào Trường Sơn, vào núi đồi Phù Ðổng... tạo ra những bảo tàng viện thiên nhiên vô hạn mà tất cả đều được mời tham dự hoặc thưởng lãm: từ cánh chim, ngọn cỏ đến con người. Ðể xây bảo tàng viện thiên nhiên, ông sáng tạo nghệ thuật Sắc Không (Le Vide et le Plein), tiếp nối Không Gian Lê Bá Ðảng. Cũng trong thời gian này, ông sáng tạo Tranh Hai Mặt (Double face), một loại tranh khắc mà hai mặt đều là tác phẩm nghệ thuật. Rồi ông lại trở về với sơn dầu, mầu nước qua loạt tranh mắt.
 
 

 Sau thời kỳ Mắt, Lê Bá Ðảng bước vào thời kỳ Thiền, như không dứt, không ngừng... Hỏa diệm Lê Bá Ðảng đầy ắp phún thạch chồng chất lên nhau, sẵn sàng tung ra hết lớp này đến lớp khác ... ở tuổi 80.
 
 

 Khoa học, với kỹ thuật liên mạng giúp Lê Bá Ðảng phổ biến những sáng tác mới nhất của mình trong chiều hướng rộng nhất: trên không gian liên mạng Lê Bá Ðảng, và đó là món quà mà khoa học và nghệ thuật kết hợp để đưa cái đẹp đến với con người ở khắp mọi nơi, không kể giàu nghèo và cũng là niềm tâm nguyện của người nghệ sĩ, Lê Bá Ðảng.

Paris, tháng 12-2001
Thụy Khuê

 
 
 
 
 

 

Trở về với Lê Bá Ðảng